GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TỈNH ĐĂK NÔNG

  • 21/02/2024
  • 1572

Tỉnh Đắk Nông được thành lập vào ngày 01 tháng 01 năm 2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk.

Vị trí địa lý:

Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Nằm trong vùng tọa độ từ 11°45 đến 12°50 vĩ độ bắc và từ 107°12 đến 108°07 kinh độ đông. Trung tâm tỉnh Đắk Nông là thành phố Gia Nghĩa nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột với chiều dài 125 km theo đường quốc lộ 14, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 689 km về phía Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 1358 km về phía Bắc, có vị trí địa lý:

- Phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk;

- Phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài khoảng 141 km;

- Phía Nam và đông nam giáp tỉnh Lâm Đồng

Các điểm cực của tỉnh Đắk Nông:

Điểm cực Đông: xã Đăk Plao, huyện Đắk Glong

Điểm cực Tây: xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Điểm cực Nam: xã Hưng Bình, huyện Đắk R'lấp

Điểm cực Bắc: xã Ea Po, huyện Cư Jút.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 2 cửa khẩu quốc tế với Vương quốc Campuchia là cửa khẩu Đăk Per thuộc huyện Đắk Mil và Bup'rang thuộc địa phận Tuy Đức.

Điều kiện tự nhiên

Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình từ 600 mét đến 700 mét so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng với độ cao lên đến 1.982 mét. Nhìn chung địa hình Đắk Nông chạy dài và thấp dần từ đông sang tây. Địa hình đa dạng, phong phú và bị chia cắt mạnh, có sự xen kẽ giữa các núi cao, với các cao nguyên rộng lớn, dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ các dải đồng bằng thấp trũng.

Khí hậu Đắk Nông chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chính vì vậy chế độ khí hậu mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng có sự nâng lên của địa hình nên có đặc trưng của khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình năm 2.513mm. Mùa khô từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ trung bình năm 22–230C, nhiệt độ cao nhất 350C, thấp nhất 140C. Với điều kiện thời tiết này rất phù hợp với phát triển các cây trồng nhiệt đới lâu năm. Tuy nhiên khí hậu ở Đắk Nông cũng có những mặt bắt lợi là sự mất cân đối về lượng mưa trong năm và sự biến động lớn về biên độ nhiệt ngày đêm và theo mùa, nên yếu tố quyết định đến sản xuất và sinh hoạt là việc cấp nước, giữ nước và việc bố trí mùa vụ cây trồng.

Đắk Nông có mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp, thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện. Đất đai Đắk Nông khá phong phú và đa dạng, được chia thành 5 nhóm đất chính gồm nhóm đất xám, đất đỏ bazan, còn lại là đất đen bồi tụ. Đất nông nghiệp chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn diện tích.

Hành chính

Tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 7 huyện với 71 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã.

Lịch sử

Thời Pháp thuộc năm 1893, người Pháp toàn quyền cai trị vùng cao nguyên Trung phần, trong đó có khu vực nay là tỉnh Đắk Nông. Hệ thống hành chính thực dân tập trung ở Đăk Mil và Đăk Song. Trong thời gian từ năm 1912 đến năm 1936, tại khu vực cao nguyên M'Nông đã diễn ra cuộc khởi nghĩa lớn và quy mô kéo dài chống lại thực dân Pháp do thủ lĩnh người dân tộc M'Nông là N'trang Lơng lãnh đạo. Năm 1940, bên cạnh nhà tù Buôn Ma Thuột, Pháp cho xây dựng Ngục Đăk Mil (Nay thuộc huyện Đăk Mil).

Khu vực này năm 1946 thuộc Xứ Thượng Nam Đông Dương rồi đến năm 1950 thì gom vào Hoàng triều Cương thổ trước khi đơn vị này bị xóa bỏ năm 1955 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1959, khu vực Nâm Nung trở thành khu căn cứ của lực lượng quân cách mạng.

Tháng 1 năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Quảng Đức trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đắk Lắk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh lị đặt tại Gia Nghĩa. Địa giới hành chính tỉnh Quảng Đức, về cơ bản giống như địa giới tỉnh Đắk Nông ngày nay (trừ huyện Cư Jút hiện nay khi đó thuộc quận Ban Mê Thuột của tỉnh Darlac), được chia làm 3 quận: Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và khu hành chính Đức Xuyên. Tháng 12 năm 1960, Chính quyền Cách mạng cũng đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức, giữa năm 1961, tỉnh Quảng Đức do khu VI trực tiếp chỉ đạo. Đầu năm 1962, Chính quyền Cách mạng quyết định giải thể tỉnh Quảng Đức, chuyển Đức Lập, Đức Xuyên nhập về tỉnh Đắk Lắk, Kiến Đức nhập về tỉnh Phước Long, Khiêm Đức nhập về tỉnh Lâm Đồng.

Sau ngày hai miền thống nhất, tháng 5 tháng 1975, tỉnh Quảng Đức được tái lập lại. Tháng 11 năm 1975, tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Khi tách ra, tỉnh Đắk Nông có 6 đơn vị hành chính gồm 6 huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R'lấp, Đắk Song, Krông Nô. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông.

Ngày 27 tháng 6 năm 2005, chia huyện Đắk Nông thành thị xã Gia Nghĩa (thị xã tỉnh lị tỉnh Đắk Nông) và huyện Đắk Glong.

Ngày 22 tháng 11 năm 2006, chia huyện Đắk R'lấp thành 2 huyện: Đắk R'lấp và Tuy Đức.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, chuyển thị xã Gia Nghĩa thành thành phố Gia Nghĩa. Tỉnh Đắk Nông có 1 thành phố và 7 huyện như hiện nay.

Kinh tế

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành vượt và đạt 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,59%, tăng 0,09% so với kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.475 tỷ đồng, vượt 15,8% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,61 triệu đồng, đạt 112% kế hoạch; Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 19.312 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông năm ước thực hiện cả năm 2022 đạt 480.000 lượt, tăng 280,6% so với cùng kỳ; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5%, trồng mới rừng tập trung đạt 2.039,57 ha; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, dự kiến có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Giáo dục

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 367 cơ sở giáo dục, trong đó có 41 cơ sở giáo dục ngoài công lập, có 179/316 trường MN-PT công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,65%. Cụ thể: Giáo dục mầm non có 126 trường, 36 trường ngoài công lập, 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 45,5%. Tiểu học có 119 trường, 01 trường ngoài công lập, 72 trường chuẩn quốc gia, đạt 61,53%. THCS có 79 trường, 02 trường ngoài công lập, 52 trường trường chuẩn quốc gia, đạt 67,53%. THPT có 33 trường, 01 trường ngoài công, 14 trường chuẩn quốc gia, đạt 43,75%. Giáo dục thường xuyên có 08 trung tâm (gồm 01 trung tâm cấp tỉnh và 07 trung tâm cấp huyện). Giáo dục hòa nhập có 02 trung tâm, 01 trung tâm tư thục.

Y tế

Toàn ngành có 14 đơn vị trực thuộc Sở Y tế (trong đó, có 06 đơn vị tuyến tỉnh: Chi cục Dân số KHHGĐ, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bệnh viên đa khoa tỉnh, Trung tâm Giám đinh y khoa, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và 08 Trung tâm Y tế các huyện/thành phố) với khoảng hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Tổng số biên chế hiện có/biên chế giao là 2186/2156, trong đó, tổng số bác sĩ là 507 (sau đại học là 149); cử nhân và thạc sĩ y tế công cộng là 11; chủng loại khác là 1668.

Bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 380 giường bệnh với 411 cán bộ y tế (Bác sỹ: 119; Dược: 24; Điều dưỡng: 149; Kỹ thuật viên: 32, Chuyên ngành khác: 87).

Tuyến huyện gồm 7 Trung tâm Y tế đa chức năng có 915 giường bệnh với 991 cán bộ y tế (Bác sỹ: 249; Dược: 106; Điều dưỡng: 261; Kỹ thuật viên: 59, Chuyên ngành khác: 316).

Tuyến xã gồm 71 xã, phường, thị trấn: 561 cán bộ y tế (Bác sỹ: 85; Dược: 73; Điều dưỡng: 148; Chuyên ngành khác: 225).

Diện tích và Dân số theo thống kê năm 2021

 

Anh-tin-bai

 

Văn hóa

Đăk Nông là vùng đất sinh sống từ hàng ngàn đời của đồng bào các dân tộc tại chỗ, đồng thời cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp nên đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú. 

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Đăk Nông còn có rất nhiều tín ngưỡng để tôn thờ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc tại chỗ thờ cúng Yàng (Trời), thần Núi, thần Sông v.v. và rất nhiều lễ hội như: Lễ hội Đâm trâu (ăn trâu). Lễ mừng nhà mới, Lễ mừng mùa, Lễ bỏ mả .v.v. phong phú và đặc sắc.

Giao thông

Có Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 đi qua.

Nguồn: Daknong.gov.vn